12 LOẠI HÀNH VI PHỔ BIẾN Ở NƠI LÀM VIỆC


Mỗi nơi làm việc đều có rất nhiều người cư xử theo những cách khác nhau. Bằng cách hiểu các loại hành vi tại nơi làm việc, người quản lý có thể giúp nhóm của họ làm việc hiệu quả hơn. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu 12 loại hành vi tại nơi làm việc

❗Hành Vi Lãnh Đạo (Leadership Behavior)

Hành vi lãnh đạo ở đây không nhất định hiểu theo nghĩa là hành vi của nhà lãnh đạo, mà đúng hơn, nó là hành vi chỉ huy, chỉ đạo một thành viên trong nhóm đảm nhận trách nhiệm. Những cá nhân có hành vi này thường tập trung vào kết quả và định hướng của dự án. Điều cần thiết là phải đánh giá cách các “nhà lãnh đạo” tương tác với những người còn lại trong nhóm. Người quản lý cũng có thể hướng dẫn các thành viên trong nhóm thể hiện khả năng lãnh đạo và giúp họ kết nối với nhau

❗Hành Vi Tư Duy Sáng Tạo (Creative Thinking Behavior)

Một số thành viên trong nhóm có tư duy sáng tạo rất tốt có thể phát triển các giải pháp cho những vấn đề dường như không thể. Những cá nhân này thường thích sự đổi mới. Để sử dụng tốt một người có tính sáng tạo, hãy cung cấp cho họ một môi trường làm việc phù hợp và giải thích những mong đợi của bạn về nhiệm vụ của họ. Bạn có thể cân bằng khối lượng công việc của họ, cụ thể là cân bằng giữa các nhiệm vụ thường xuyên và các nhiệm vụ mới mẻ để tối đa hóa kết quả đầu ra và giữ cho não họ luôn được kích thích

❗Hành Vi Độc Lập (Isolating Behavior)

Một số thành viên trong nhóm có thể là những người theo chủ nghĩa độc lập, họ thích làm việc một mình và thể hiện cực kỳ xuất sắc trong việc quản lý các dự án độc lập. Với tư cách là người quản lý, bạn có thể khuyến khích một thành viên trong nhóm làm những điều mới hoặc làm một phần việc một cách độc lập và sau đó bàn giao phần công việc đã hoàn thành với sự tham gia của các thành viên khác trong nhóm. Hãy đảm bảo rằng bạn cũng giao cho họ những nhiệm vụ công việc mà họ có thể thực hiện một cách độc lập từ đầu đến cuối

❗Hành Vi Làm Hài Lòng Người Khác (People-Pleasing Behavior)

Những người làm hài lòng mọi người thường tránh xung đột ở nơi làm việc và tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ với những người khác. Họ muốn mọi người yêu quý họ và luôn tích cực. Họ thường xung phong nhận thêm các nhiệm vụ công việc. Với tư cách là người quản lý, bạn có thể ghi nhận thành tích của họ. Giúp đỡ họ bằng cách đảm bảo rằng họ biết cách tập trung vào các nhiệm vụ được ưu tiên trước khi bị phân tâm khi đảm nhận thêm trách nhiệm khác

❗Hành Vi Vui Vẻ (Playful Behavior)

Một số thành viên trong nhóm có thể có luôn vui vẻ và hài hước trong công việc và tập trung vào việc tạo ra niềm vui. Sự vui tươi của những cá nhân này có thể thúc đẩy các thành viên trong nhóm trở nên tích cực hơn, yêu thích công việc hơn và làm việc tốt hơn. Một cách để quản lý các thành viên này là đảm bảo rằng họ được tham gia vào việc tổ chức các hoạt động nhóm, các hoạt động giải tỏa căng thẳng như team building, các buổi tiệc,... để xây dựng sự gắn kết trong nhóm

❗Hành Vi Hướng Nội (Introvert Behavior)

Những thành viên thuộc nhóm hướng nội thường ít nói và thích làm việc một mình. Họ thực hiện tốt công việc khi được cung cấp danh sách chi tiết các nhiệm vụ cần hoàn thành. Để giúp đỡ những cá nhân hướng nội, bạn có thể khuyến khích họ làm việc với các thành viên trong nhóm và cung cấp hướng dẫn chi tiết cho công việc mà họ phải hoàn thành. Ngoài ra, bạn nên giao cho họ những nhiệm vụ mà họ có thể thực hiện một cách độc lập vì họ thường cần thời gian để tự làm việc.

❗Hành Vi Phân Tích (Analytical Behavior)

Thành viên nhóm phân tích thích phân tích các tình huống và các thử thách. Các cá nhân ưa phân tích thích làm việc với các dự án có thể dự đoán được. Đặc điểm của họ là thích tìm ra những trở ngại phức tạp có thể xảy ra hơn là tìm ra cách vượt qua chúng. Để quản lý một thành viên thuộc nhóm hành vi phân tích, bạn có thể khuyến khích họ cởi mở hơn với tư duy sáng tạo và tìm giải pháp cho các vấn đề mà họ xác định.

❗Hành Vi Tương Đồng Với Lãnh Đạo (Referent Leadership Behavior)

Một người có hành vi tương đồng với lãnh đạo dường như là một nhà lãnh đạo bẩm sinh ở nơi làm việc. Họ luôn được mọi người ngưỡng mộ về năng lực, sự tự tin và sự thu hút. Các thành viên khác trong nhóm thường làm theo họ một cách rất tự nhiên và điều này giúp họ cải thiện đáng kể hiệu quả công việc của cả nhóm. Mặc dù họ luôn làm tốt các công việc quen thuộc trong nhóm và trong tổ chức nhưng họ cũng luôn cần những thử thách mới để sử dụng các kỹ năng lãnh đạo xuất sắc của mình. 

❗Hành Vi Công Kích/ Năng Nổ (Aggressive Behavior)

Theo cách hiểu “hành vi công kích”, những thành viên thuộc nhóm này thường bộc phát những hành vi tức giận hoặc đe dọa người khác một cách không báo trước để đáp ứng nhu cầu của chính họ. Tuy vậy, trong những hoàn cảnh cụ thể, từ “aggressive” được hiểu là sự năng nổ, xông xáo và là điều tích cực. Theo nghĩa này, những người thuộc nhóm hành vi năng nổ thường hoạt động rất hiệu quả trong các trường hợp khẩn cấp hoặc trong các tình huống cần ra quyết định nhanh chóng. 

Để quản lý các thành viên trong nhóm này, hãy thấu hiểu và kiên nhẫn với họ. Người quản lý nên giao tiếp với những cá nhân này thường xuyên để đảm bảo rằng họ cảm thấy an toàn và tin cậy nhóm của mình. Người quản lý cũng nên khuyến khích họ chia sẻ quan điểm về các vấn đề tại nơi làm việc một cách cởi mở và thẳng thắn.

❗Hành Vi Quyết Đoán (Assertive Behavior)

Các thành viên trong nhóm quyết đoán thường thẳng thắn bày tỏ cảm xúc và mong muốn thích đáng của họ tại nơi làm việc. Họ giao tiếp thẳng thắn, tôn trọng ý kiến ​​và quyền của người đối diện. Việc giao tiếp quyết đoán sẽ hỗ trợ duy trì các mối quan hệ và thường dẫn đến sự đồng thuận giữa các bên. Cách tốt nhất để làm việc với một cá nhân quyết đoán là minh bạch và thẳng thắn khi giao tiếp với họ.

❗Hành Vi Giao Tiếp Thụ Động (Passive Communication Behavior)

Những người giao tiếp thụ động thường không bày tỏ suy nghĩ hoặc cảm xúc tại nơi làm việc của họ với người khác để giữ cho mọi thứ ôn hòa và dễ chịu. Đôi khi việc giao tiếp thụ động cũng có những giá trị nhất định, chẳng hạn như khi cảm xúc dâng cao và cần một bên tiết chế lại. Khi làm việc với một thành viên thuộc nhóm này, hãy lên kế hoạch trước thời hạn để đảm bảo họ có đủ thời gian hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tương tác với họ thường xuyên để thảo luận về các cơ hội ở nơi làm việc mà họ quan tâm và đảm bảo rằng họ được đóng góp ý kiến trong các cuộc họp. Nhà quản lý cũng có thể chủ động hỏi ý kiến ​​của họ về một vấn đề cụ thể bởi những người này thường ít khi chủ động nói ra.

❗Hành Vi Công Kích Thụ Động (Passive-Aggressive Behavior)

Các thành viên trong nhóm này có các yếu tố của phong cách giao tiếp thụ động và những công kích ngầm. Họ có thể tỏ ra thụ động trong việc trực tiếp thể hiện những gì họ cảm thấy (như nổi giận, quát tháo, dọa nạt, v.v) nhưng họ lại tỏ thái độ tức giận một cách gián tiếp bằng cách trì hoãn công việc. Với tư cách là người quản lý, bạn có thể khuyến khích giao tiếp cởi mở và thường xuyên phản hồi về các vấn đề. Bạn cũng nên cố gắng tỏ ra cứng rắn và bình tĩnh trong giao tiếp cũng như đặt ra kỳ vọng rõ ràng về hành vi của họ tại nơi làm việc.

Tại Sao Sự Hiểu Biết Về Hành Vi Tại Nơi Làm Việc Lại Quan Trọng?

Hiểu được hành vi tại nơi làm việc cho phép các nhà quản lý thực hiện những việc sau:

💞Xây Dựng Một Đội Ngũ Với Hiệu Suất Cao

Các loại hành vi khác nhau tạo ra những lợi thế riêng biệt và một số hành vi nên được kết hợp một cách hiệu quả trong công việc. Khi cân nhắc thêm người mới vào nhóm, hãy xác định các nhóm hành vi đang tồn tại trong đội ngũ và tìm kiếm các thành viên mới có thể bổ sung những phần khuyết thiếu cho đội ngũ để làm việc hiệu quả hơn.

💞Khen Thưởng Các Thành Viên Trong Nhóm Một Cách Thích Đáng

Khi một thành viên trong nhóm làm việc hiệu quả, hãy khen thưởng những đóng góp của họ cho nhóm và mục tiêu của tổ chức. Là một nhà quản lý, hãy cân nhắc rằng những cá nhân có hành vi khác nhau tại nơi làm việc có thể yêu thích những lời khen hay phần thưởng khác nhau.

💞Định Hình Phong Cách Quản Lý 

Việc hiểu rõ hành vi tại nơi làm việc của họ là rất quan trọng. Hãy dành một chút thời gian để làm quen với các thành viên trong nhóm để hiểu các kiểu hành vi của họ cũng như điểm mạnh và điểm yếu. Thông tin này sẽ giúp định hướng phong cách quản lý của bạn với từng cá nhân. 

Nguồn: Indeed - 12 Types of Workplace Behaviors

Comments

Popular posts from this blog

☆ Channel Audit: Nghiên Cứu & Phân Tích Kênh Bán Lẻ

15 CUỐN SÁCH GIÚP BẠN TRỞ THÀNH NGƯỜI GIỎI NHẤT TRONG MỌI LĨNH VỰC

Mẫu thuẫn giữa chuỗi bán lẻ, tự xây kênh online, bán hàng qua MXH và kênh sàn TMĐT nên xử lý như thế nào?